Nhận định Bạch Khởi

Công trạng

Bạch Khởi xông pha trận mạc suốt 37 năm, hầu như đánh đâu thắng đó, trước sau đánh phá 4 nước chư hầu, chém đầu gần 100 vạn quân địch (thực tế phải hơn con số này chưa tính cả dân thường bị liên lụy, có thuyết cho rằng Bạch Khởi đã giết hơn 200 vạn người), hạ hơn 73 thành, mở rộng hơn trăm dặm đất đai cho nước Tần, làm suy yếu hoàn toàn Tam Tấn và khiến nước Sở từ chỗ ngang hàng với Tần bị đặt vào thế yếu hơn, luôn phải ở tư thế phòng ngự. Chiến công của Bạch Khởi đã tiêu hao lực lượng chiến đấu của các nước mạnh nhất thời đó như Triệu và Sở, đưa nước Tần trở thành nước bá chủ thời Chiến Quốc, khởi đầu cho việc thôn tính hoàn toàn 6 nước chư hầu của nước Tần, đi đến thống nhất Trung Hoa.

Tài năng

Bạch Khởi được các sử gia Trung Quốc đánh giá là một trong những tướng lĩnh xuất sắc nhất trong lịch sử Trung Quốc, luôn đứng đầu trong hàng ngũ các đại danh tướng. Trong khi các tướng lĩnh thời đó luôn khi ra trận luôn đặt nặng binh pháp, điển hình như Triệu Quát, Bạch Khởi lại dùng binh không theo sách. Điển hình như trong trận Trường Bình, quân Tần do ông chỉ huy tuy ít hơn nhưng lại vây ngặt nghèo quân Triệu đông hơn, thậm chí vây không để hở. Những điều trên đều đi ngược lại với những gì Tôn Vũ viết trong binh pháp, thế nhưng Bạch Khởi đã cầm quân thì đã đánh là thắng, không gì ngăn nổi. Điều này cũng khẳng định tài năng quân sự phi thường của Bạch Khởi và xuyên suốt lịch sử Trung Quốc hầu như rất ít tướng lĩnh nào có những tố chất như ông. Tuy nhiên trong các danh tướng đời sau chỉ có một người duy nhất có thể so sánh với Bạch Khởi là Hoài Âm hầu Hàn Tín, đứng đầu trong Hán Sơ tam kiệt, vị danh tướng bách chiến bách thắng đã đánh bại được Hạng Vũ và các chư hầu, một tay đem lại cơ đồ cho nhà Hán. Cả hai vị danh tướng này đều có điểm chung là sau khi công thành danh toại thì đều bị chủ giết hại.

Tính cách

Bạch Khởi tuy vô địch trên chiến trường nhưng quá bộc trực thẳng tính, đã xúc phạm đến Tần Chiêu Tương Vương, người lúc này đã già có tính khí thất thường và mất đi sự kiên nhẫn, chỉ muốn nhanh chóng thành đại nghiệp. Một khuyết điểm nữa là Bạch Khởi quá hiếu sát, trong các chiến dịch do ông chỉ huy hầu như quân địch không có người sống sót trở về, thậm chí là một ngày giết mấy mươi vạn người như trong trận Y Khuyết, trận Yên-Dĩnh, trận Trường Bình. Cuối cùng ông bị gièm pha, vua Tần muốn ông chết, có thể coi là báo ứng. Tương truyền về sau vào khoảng cuối đời nhà Đường, sấm sét đánh chết một con trâu, dưới bụng trâu có hai chữ "Bạch Khởi". Người ta nói Bạch Khởi vì giết người nhiều quá, nên mấy trăm năm sau vẫn còn phải chịu cái quả báo làm kiếp trâu bị sét đánh.